1. Bút nhớ
Bút nhớ (hay còn gọi là đĩa flash USB) là thiết bị giúp sao lưu nhanh gọn nhất bởi tính năng ưu việt của nó trong việc truyền tải dữ liệu. Các loại bút nhớ giao tiếp với máy tính thông qua cổng USB. Các máy tính hiện đại đều có cổng giao tiếp USB 2.0 cho phép tốc độ truyền tải dữ liệu lên đến 480 MB/giây (các máy tính cũ với cổng USB 1.0 chỉ cho phép tốc độ truyền tải đến 12 MB/giây). Với ưu điểm này, việc sao lưu lên bút nhớ sẽ rất nhanh chóng và tiện dụng.
Tuy nhiên, một nhược điểm lớn của nó khi sử dụng trong việc sao lưu là không gian lưu trữ nhỏ. Mặc dù ngày nay trên thị trường đã có những loại bút nhớ có dung lượng lưu trữ lớn (hơn 2 GB) nhưng đa số người tiêu dùng chỉ ưa thích trong khoảng từ 512 MB đến 1 GB. Do đó, nếu dùng bút nhớ thì bạn chỉ nên sao lưu những loại dữ liệu quan trọng như các tài liệu cá nhân, công việc...
2. Đĩa CD và DVD
Sao lưu vào đĩa CD là một cách dùng rất phổ biến hiện nay. Với khoảng vài trăm nghìn đồng, bạn đã có thể mua ngay một ổ ghi đĩa CD và giá thành của các đĩa CD trắng dùng để ghi cũng rất rẻ, chỉ vài nghìn đồng. Mỗi đĩa CD có thể lưu trữ được khoảng 700 MB dữ liệu và việc dùng nhiều đĩa CD để sao lưu là không thành vấn đề. Hơn nữa, tất cả các máy vi tính hiện nay đều có tối thiểu một ổ đĩa CD.
Ở mức cao hơn, đĩa DVD sẽ làm bạn thật sự ngạc nhiên bởi khả năng lưu trữ của mình. Để sao lưu 7 GB dữ liệu, bạn phải cần đến 10 đĩa CD, trong khi đó chỉ với một đĩa DVD hai lớp hoặc hai đĩa DVD một lớp là bạn đã “dư sức qua cầu” rồi. Tuy nhiên, để sử dụng được đĩa DVD để sao lưu thì bạn phải có ổ ghi DVD và các đĩa ghi DVD. Nó đòi hỏi bạn một khoản đầu tư khá cao so với ổ đĩa ghi CD và các đĩa CD. Vấn đề đơn giản ở đây chỉ là khoảng cách giá thành giữa chúng còn rất lớn, khiến đa số người tiêu dùng vẫn thích chọn đĩa CD hơn.
3. Đĩa cứng gắn ngoài
Đây là cách sao lưu dữ liệu khá mới mẻ nhưng rất năng động và hiệu quả. Để có thể thực iện sao lưu theo cách này, bạn cần phải có một đĩa cứng và một hộp đựng đĩa cứng gọi là HDD Box.
Theo đó, đĩa cứng sẽ giao tiếp với máy tính thông qua cổng USB của hộp đựng đĩa cứng. Lúc này, hoạt động của nó cũng giống hệt như một bút nhớ và bạn có thể tiến hành sao lưu một cách dễ dàng. Dung lượng lưu trữ của nó chính là dung lượng của đĩa cứng trong HDD Box. Do đó, muốn lưu trữ nhiều thì bạn cần có đĩa cứng với dung lượng lớn và tất nhiên chi phí đầu tư cũng sẽ tăng theo dung lượng đĩa cứng.
4. Đĩa cứng gắn trong
Với cách sao lưu này, bạn cần có một đĩa cứng mới gắn thêm vào bên trong thùng máy cùng với đĩa cứng hiện hành. Sự khác biệt so với đĩa cứng gắn ngoài là đĩa cứng gắn trong được kết nối cố định trong thùng máy, giống như thêm một đĩa cứng nữa cho máy tính, tức là không có tính di động so với đĩa cứng gắn ngoài. Từ đó, bạn có thể sao lưu các dữ liệu cần thiết từ đĩa cứng hiện hành vào đĩa cứng mới để đảm bảo an toàn không mất dữ liệu.
Ở mức độ sao lưu dữ liệu an toàn hơn, đó là sử dụng công nghệ RAID (Redundant Array of Independent Disks), cụ thể ở đây là RAID 1. Để thực hiện điều này, bạn cần có một đĩa cứng mới có dung lượng tương đương với đĩa cứng hiện hành. Theo đó, toàn bộ dữ liệu được lưu trên hai đĩa cứng
này sẽ giống hệt nhau. Trong hệ thống máy tính, bạn chỉ nhìn thấy một đĩa duy nhất mà thôi. Khi một đĩa gặp trục trặc hoặc hư hỏng thì đĩa kia vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
5. Lưu trữ trực tuyến
Các dịch vụ lưu trữ trực tuyến hiện nay đã đem lại một cách sao lưu mới cũng rất hiệu quả cho tất cả máy tính có kết nối Internet. Chi phí đầu tư cho hình thức sao lưu này là chấp nhận được, bạn chỉ phải tốn phí kết nối Internet và trả phí lưu trữ trực tuyến nếu dùng các dịch vụ có thu phí. Với các dịch vụ miễn phí, bạn chỉ có thể sao lưu một lượng dữ liệu hạn chế mà thôi. Hơn nữa, tốc độ kết nối Internet sẽ là một vấn đề rất quan trọng nếu bạn muốn sao lưu theo hình thức này.
Theo: VietHung-idt